22:00 22/11/2024
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long kiểm tra công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
15:23 24/04/2024
Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ trong một gia đình lao động nghèo. Từ nhỏ Võ Thị Sáu sống cùng gia đình tại thị trấn Đất Đỏ. Thân sinh Võ Thị Sáu là ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu đã thuê một căn trong dãy “phố làng” do ban hương chức xây bằng công quỹ và cho dân phố thuê lại để cả nhà tá túc.
Quê hương Đất Đỏ của Võ Thị Sáu vốn có truyền thống cách mạng. “Thị trấn Đất Đỏ, núi Châu Viên, chợ Long Điền, nhà hội Long Nhung, xã Long Mỹ là nơi lá cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện sớm nhất trong vùng Bà Rịa-Vũng Tàu”. Xã Long Mỹ cũng là căn cứ kháng chiến đầu tiên (Nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) của tỉnh Bà Rịa và núi Châu Long, Châu Viên hùng vĩ cũng là chiến khu Minh Đạm nổi tiếng được xây dựng từ thời kháng chiến chống Pháp.
Công viên, đền thờ anh hùng Võ Thị Sáu
Năm Võ Thị Sáu 12 tuổi, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại tỉnh Bà Rịa. Một người anh của Võ Thị Sáu (anh Ba) đã gia nhập lực lượng Thanh niên tiền phong tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và tiếp sau (năm 1946) khi thực dân Pháp tái chiếm Đất Đỏ, cả hai người anh của Võ Thị Sáu (anh Ba và anh Năm) đã lần lượt thoát ly tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Học hết lớp ba trường làng, do nhà nghèo, Võ Thị Sáu phải bỏ dở việc học, ngày ngày theo mẹ ra chợ mua bán kiếm sống, do đó cũng sớm phải chứng kiến, bất bình trước cảnh bọn tề làng xã và binh lính ngụy hống hách, chèn ép người dân. Tuy tuổi còn nhỏ, Võ Thị Sáu cũng sớm được cha mẹ cho mang gạo, mắm, bánh trái, thuốc hút và một số vật dụng vào khu căn cứ của tỉnh nằm sâu trong vùng Gò Cà (Phước Bửu) tiếp tế cho hai người anh đang tham gia kháng chiến (trong đó anh Ba của Võ Thị Sáu là chiến sĩ Quốc vệ đội của Ty Công an Bà Rịa). Cũng tại căn cứ, Võ Thị Sáu đã được gặp đồng chí Trần Việt Thanh (Sáu Thanh), Trưởng Công an quận Đất Đỏ và bước đầu được giao nhiệm vụ thăm dò tình hình địch tại thị trấn Đất Đỏ.
Qua nguồn tin của một người bạn đáng tin cậy, Võ Thị Sáu nắm được tình hình có kẻ đầu thú chỉ điểm cho địch càn vào khu căn cứ kháng chiến nên đã kịp thời theo đường tắt vào căn cứ báo tin giúp Quốc vệ đội và Công an quận Đất Đỏ kịp thời sơ tán, chủ động chống càn, tránh được tổn thất.
Năm 1947, thực dân Pháp lập xong hệ thống đồn bót dọc Tỉnh lộ 23, kiểm soát một phần lớn vùng nông thôn và các thị xã, thị trấn trong tỉnh. Cũng trong thời gian này gia đình Võ Thị Sáu dời về ở tại Cầu Trọng, gần địa điểm đóng quân của Quốc vệ đội để tránh sự trả thù của cai tổng Tòng, một tay sai ác ôn khét tiếng trong vùng.
Giữa năm 1947, 14 tuổi đời, theo đề nghị của đồng chí Mai Văn Láng, Đội trưởng Công an xung phong quận Đất Đỏ; được sự chấp thuận của đồng chí Sáu Thanh, Trưởng Công an quận Đất Đỏ và đồng chí Hồ Hiệp, Phó Công an quận, Võ Thị Sáu đã được kết nạp vào Đội Công an xung phong Đất Đỏ và được tham gia lớp huấn luyện khóa I, trường thiếu sinh quân của tỉnh mở tại căn cứ kháng chiến Long Mỹ năm 1947.
Trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ, Võ Thị Sáu đóng giả người đi chợ, thợ cấy, thợ gặt… luồn sâu vào vùng địch chiếm từ Đất Đỏ đến Phước Lợi, Phước Hải trinh sát địa bàn, nắm tình hình địch, kịp thời thông báo cho đơn vị. Từ khi có Võ Thị Sáu, Đội Công an xung phong ít bị địch phục kích, đỡ thương vong tổn thất. Có lần cơ sở phát hiện một phụ nữ ở Đất Đỏ thường lảng vảng đến gần địa điểm tập kết của lực lượng vũ trang mỗi khi về hoạt động ở Đất Đỏ… Võ Thị Sáu đã theo dõi phát hiện đối tượng làm chỉ điểm cho địch, báo đơn vị bắt đưa về căn cứ xử lý.
Ngày 14/7/1948, Lê Thành Tường, Tỉnh trưởng Bà Rịa tổ chức mít tinh kỷ niệm Quốc khánh của nước Pháp tại Đất Đỏ. Trước đó một ngày, Lê Thành Tường điều thêm lính từ Bà Rịa về tăng cường cho chi khu Đất Đỏ. Chuẩn bị cho cuộc mít tinh, địch chăng dây thép gai quanh khu vực mít tinh từ đêm trước và bố trí lính canh gác tại khu vực lễ đài. Chúng còn bố trí lực lượng kiểm soát nghiêm ngặt tại các ngã ba, ngã tư, nhất là lối vào địa điểm tổ chức mít tinh.
Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ do đồng chí Mai Văn Láng làm Đội trưởng được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh nhằm hạ uy thế địch. Sự bố phòng chặt chẽ của địch gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng đột nhập vào địa điểm hành lễ. Trước tình hình trên, Võ Thị Sáu, chiến sĩ trinh sát của Đội đề xuất phương án đánh táo bạo nhưng chặt chẽ: Sáu mang theo lựu đạn ém vào góc chợ sát khán đài từ nửa đêm làm nhiệm vụ tấn công vào khán đài; hai tổ Công an xung phong được bố trí chốt chặn gần đó có nhiệm vụ bắn yểm trợ cho Sáu rút và tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh.
Thông qua cơ sở, Đội Công an xung phong còn bố trí một số quần chúng tham dự mít tinh làm nhiệm vụ hỗ trợ giải tán cuộc mít tinh. Sáng ngày 14/7/1948, theo phương án vạch sẵn, khi xe của Lê Thành Tường vừa tới và bọn lính bắt đầu lùa đồng bào vào sân thì Sáu liệng lựu đạn về phía khán đài. Đồng loạt, các đồng chí trong 2 tổ Công an xung phong nổ súng yểm trợ và cơ sở được bố trí trong đám đông quần chúng hô to “Việt Minh tấn công’’ rồi hướng dẫn đồng bào giải tán.
Cuộc mít tinh chưa bắt đầu đã kết thúc trong cảnh hỗn loạn. Tỉnh trưởng Lê Thành Tường mất mặt với quan Tây. Đồng bào Đất Đỏ hả hê khen Việt Minh xuất quỷ nhập thần. Riêng Võ Thị Sáu do có công lớn trong trận đánh đã được tuyên dương trước toàn Đội.
Cũng từ sau trận đánh làm thất bại cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14/7/1948, chiến sĩ trinh sát Võ Thị Sáu đã được đồng chí Mai Văn Láng, Đội trưởng Đội Công an xung phong Đất Đỏ đề nghị lãnh đạo Công an huyện cho trực tiếp tham gia công tác diệt ác. Từ đây, một nhiệm vụ mới đầy vinh quang, thử thách đã đến với Võ Thị Sáu.
Tháng 11/1949, Đội Công an xung phong huyện quyết định diệt cai tổng Tòng ác ôn tại Đất Đỏ. Với phương châm táo bạo: đánh địch ngay tại hang ổ của chúng, đánh ngay tại nơi chúng gây tội ác, Võ Thị Sáu đề xuất và xung phong thực hiện phương án diệt Cai tổng Tòng ngay tại văn phòng làm việc của hắn. Đề xuất của Võ Thị Sáu được lãnh đạo Công an quận và lãnh đạo Đội Công an xung phong chấp thuận.
Vào một buổi sáng tháng 11/1949, với quả lựu đạn giấu trong giỏ đựng trầu, Võ Thị Sáu trà trộn trong tốp người đi làm giấy căn cước vào Nhà Việc (trụ sở tề) ở Đất Đỏ. Để tránh thương vong cho người dân vô tội, Võ Thị Sáu chọn thời điểm giữa buổi làm việc, là lúc thưa người, mới ra tay hành động. Theo chân mấy người phụ nữ cuối cùng đi vào Nhà Việc, Võ Thị Sáu tiến về phía bàn làm việc của Cai tổng Tòng, vừa hô to “Việt Minh tấn công” vừa rút chốt lựu đạn ném vào y rồi kéo các chị cùng chạy ra khỏi Nhà Việc.
Bất ngờ bị tấn công, Cai tổng Tòng té sấp, sau đó chồm dậy chui vào nấp trong gầm bàn. Lựu đạn nổ, y bị thương quằn quại trong vũng máu nhưng không chết. Tuy vậy, trận đánh cũng làm Cai tổng Tòng cùng đám hội tề và bọn lính đồn khiếp vía. Từ sau trận đánh chúng co cụm lại, giữa ban ngày cũng không dám đi riêng rẻ vào thôn xóm dò la, hạch sách đồng bào vì sợ bị trừng trị.
Trận đánh tuy chưa giành được thắng lợi trọn vẹn nhưng lần nữa đã chứng tỏ quyết tâm, ý chí và bản lĩnh chiến đấu của người đội viên Công an xung phong Đất Đỏ Võ Thị Sáu. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Võ Thị Sáu đã dần trở thành tấm gương tiêu biểu, được tổ chức tin tưởng, đồng đội và đồng bào mến phục, tin yêu.
Tháng 2/1950, Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ có chủ trương diệt Cả Đay, Cả Suốt là lính bảo an ác ôn ở đồn Đất Đỏ. Hai tên này thường ngày có nhiều hành vi tàn ác như cướp bóc, giết người, hãm hiếp phụ nữ, làm nhân dân ở khu vực chợ Đất Đỏ và trong vùng rất căm phẫn. Trước tình hình bọn ác ôn hoành hành, để trừ họa cho dân đồng thời tạo thế cho phong trào cách mạng địa phương, Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hồ Hiệp, đã nhiều lần bàn bạc tìm phương án diệt bọn ác ôn nguy hiểm.
Sau nhiều lần trinh sát nắm chắc quy luật hoạt động của bọn lính bảo an đồn Đất Đỏ, Võ Thị Sáu đã đề xuất phương án diệt Cả Đay và Cả Suốt. Võ Thị Sáu chọn thời gian, địa điểm diệt địch giữa ban ngày, tại phiên chợ Tết Canh Dần ở Đất Đỏ. Phương án của Võ Thị Sáu đã được lãnh đạo Công an quận chấp thuận và bố trí tăng cường hai tiểu đội Công an xung phong hỗ trợ Sáu thực hiện phương án diệt địch.
Phiên chợ Tết Canh Dần năm 1950 ở Đất Đỏ đông người, nhộn nhịp. Dân miệt biển từ Long Hải, Phước Hải, Phước Tỉnh đưa lên đủ loại cá tươi, cá khô, tôm, mực. Dân các xã miền núi chở thịt rừng, măng khô, lá dong, nấm mèo. Dân từ miệt vườn đưa về các loại heo gà, hoa trái, bún bánh. Nhiều người dân còn lợi dụng ngày Tết mua sắm công khai vừa phục vụ ăn Tết vừa cung cấp cho vùng căn cứ kháng chiến. Cả Suốt, Cả Đay cùng tốp lính xuất hiện. Bọn chúng đi đến đâu gây náo động đến đó với hành động công khai cướp giật giữa ban ngày.
Mặc bộ đồ bà ba đen cũ, trên tay xách chiếc túi bên trong giấu hai quả lựu đạn, Võ Thị Sáu đi lẫn trong dòng người vào chợ lần theo đối tượng. Chợ Tết đông người, Sáu bám theo Cả Suốt, Cả Đay, giữ khoảng cách an toàn nhưng chưa có cơ hội ra tay vì còn phải chọn lúc thưa người đề phòng lựu đạn nổ làm thương vong bà con đi chợ. Điều bất ngờ là lão Kề lính đồn bảo an Đất Đỏ cũng đã phát hiện bám theo Võ Thị Sáu chờ cơ hội ra tay.
Khi bọn lính bảo an, trong đó có Cả Suốt và Cả Đay rời chợ, từ một góc khuất gần cổng chợ, Võ Thị Sáu bất ngờ tung quả lựu đạn vào Cả Suốt, Cả Đay và tốp lính. Lựu đạn nổ, Cả Suốt, Cả Đay cùng một số binh lính bị thương. Sau khi ném lựu đạn, Võ Thị Sáu vụt chạy về phía ấp Hòa Hiệp, có hai tổ Công an xung phong nổ súng chặn địch tại xóm Phước Hòa và ngã ba chợ Đất Đỏ yểm trợ cho Sáu rút.
Sau giây phút hoảng sợ ngã xuống đất, lão lính Kề bò dậy hô hoán đuổi theo Võ Thị Sáu. Nghe tiếng lựu đạn nổ, bọn lính trong đồn ùa ra. Từ đồn giặc, khẩu đại liên bắn như vãi đạn áp đảo. Trên các ngã đường bọn lính đồn bủa vây, đuổi bám. Bình tĩnh, Sáu rút chốt quả lựu đạn thứ hai ném về phía địch. Không may lựu đạn bị lép không nổ. Võ Thị Sáu bị bắt.
Tại đồn bảo an Đất Đỏ, địch tra tấn Võ Thị Sáu rất dã man. Tên Cai tổng Tòng có lần bị Võ Thị Sáu ném lựu đạn suýt chết áp dụng nhiều biện pháp từ tra tấn đến dụ dỗ mua chuộc hòng moi tin từ Sáu nhưng đều thất bại. Địch đưa Võ Thị Sáu về khám đường Bà Rịa giam giữ, khai thác nhưng cũng không đạt kết quả. Tháng 4/1950, địch đưa Võ Thị Sáu về giam tại khám Chí Hòa (Sài Gòn). Trước kẻ địch, trước sau Võ Thị Sáu đều nhận là người chủ mưu ám sát Cai tổng Tòng, Cả Suốt, Cả Đay nhưng không khai báo thêm bất cứ điều gì có liên quan đến tổ chức, cơ sở và đồng đội.
Trong thời gian bị giam giữ tại khám số 8 Chí Hòa, Võ Thị Sáu ở cùng một số chị là tù chính trị như chị Năm Cầm, chị Hồng, chị Trầm… Được các chị thương yêu đùm bọc, quan tâm chăm sóc, Võ Thị Sáu tranh thủ học văn hóa, học múa hát, thêu thùa, tham gia các sinh hoạt của liên đoàn tù nhân. Những ngày cuối cùng trong khám Chí Hòa, Võ Thị Sáu vẫn tranh thủ học văn hóa và được nhận phần thưởng của liên đoàn tù nhân.
Đầu năm 1951, Võ Thị Sáu bị đưa ra xét xử trước tòa đại hình. Phiên tòa xét xử Võ Thị Sáu không có luật sư, không có công chúng, chỉ có chánh án, bồi thẩm đoàn và công tố viên; cai tổng Tòng và lão Kề lính bảo an đồn Đất Đỏ ngồi ghế nhân chứng. Tên chánh án Pháp chủ tọa phiên toà tuyên phạt Võ Thị Sáu tội “Giết hại các nhà chức trách, phá rối trị an ở Đất Đỏ, có hành vi chống lại nền bảo hộ của nước Pháp…” và tuyên án tử hình Võ Thị Sáu.
Tuy đã kết án Võ Thị Sáu song giặc Pháp vẫn e ngại làn sóng phản kháng trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước cũng như sự phản đối từ phía nhân dân Pháp tiến bộ nên không tổ chức thi hành án ở đất liền mà đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để thi hành án. Sáng ngày 21/1/1952, Võ Thị Sáu cùng 40 tù chính trị bị đưa xuống tàu ra Côn Đảo. Võ Thị Sáu là một trong ba tù chính trị bị kết án tử hình ra đảo cùng chuyến và là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trong lớp tù nhân kháng chiến giai đoạn 1946-1954, bị đưa ra Côn Đảo để thi hành án tử hình.
4 giờ sáng 23/1/1952, tại văn phòng Giám thị trưởng, Võ Thị Sáu kiên quyết từ chối lời đề nghị rửa tội của viên cố đạo. “Tôi không có tội! Nếu muốn rửa tội xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây”. Khi được hỏi trước khi chết còn điều gì ân hận không, Võ Thị Sáu bình tĩnh và hiên ngang trả lời “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và bọn tay sai bán nước”.
Giặc Pháp đưa Võ Thị Sáu ra pháp trường. Võ Thị Sáu yêu cầu không bịt mắt. Trong khi viên chánh án đọc lệnh thi hành án, Võ Thị Sáu hát vang bài “Tiến quân ca” rồi hô to:
- Đả đảo thực dân Pháp!
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Sau phát súng đầu tiên, Võ Thị Sáu đứng nguyên tại vị trí, máu từ vai và sườn tuôn ra đỏ thắm. Chị tiếp tục hát Tiến quân ca trước sự kinh hoàng của 9 tên lính lê dương trong đội hành quyết. Tên đội chỉ huy toán lính lê dương không tổ chức bắn Tiếp lần thứ hai mà rút súng ngắn lầm lũi bước tới bắn phát cuối cùng rồi cả bọn nhốn nháo trong tiếng hô rầm trời của hàng ngàn tù nhân từ các khu giam giữ vọng tới.
- Đả đảo thực dân Pháp!
- Đả đảo hành hình!
- Tinh thần Võ Thị Sáu bất diệt!
Sự hy sinh dũng cảm, tư thế hiên ngang trước cái chết của người nữ chiến sĩ cách mạng Võ Thị Sáu trong lúc tuổi đời còn rất trẻ đã để lại sự khâm phục và thương tiếc trong lòng của đồng đội, đồng chí và đặc biệt gây ấn tượng mạnh đối với những người tận mắt chứng kiến những giờ phút cuối cùng của chị Sáu ở Côn Đảo; làm thức tỉnh lương tri của cả những người trong bộ máy nhà tù và tư pháp đã giam giữ, hành hình Võ Thị Sáu.
Xúc động trước người tử tù trẻ tuổi, can đảm, trước ngày Võ Thị Sáu ra pháp trường, vợ chồng cò Vol Peter (người Pháp gốc Đức) ở nhà ngục Côn Đảo đã để Võ Thị Sáu tắm gội, ra sân tắm nắng. Vợ cò Vol Peter còn bảo người bồi mang đến cho Võ Thị Sáu cà phê sữa, bánh ngọt trong buổi sáng trước lúc Chị ra đi.
“Cả đêm qua tôi không sao ngủ được. Đôi mắt cô gái đã ám ảnh tôi và sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Tôi bắn không tồi, nhưng hôm qua tôi đã nhắm mắt, ghếch nòng súng lên trời. Tôi đã gặp nhiều kẻ phát điên phát khùng, nhiều kẻ sợ hãi đến ngất lịm phải dựng lên bắn, còn cô ấy bình thản đến lạ lùng, yêu đời đến phút chết, dũng khí tỏa ra ngay cả khi đã ngã xuống rồi. Đó mới chính là một người anh hùng. Cô ấy tin vào chính nghĩa của dân tộc mình còn chúng tôi thì chỉ biết bắn giết”. Người lính lê dương già trong đội hành quyết Võ Thị Sáu trong khi chờ tàu về đất liền đã khóc, không ăn uống và nói với người bồi nơi Công quán như thế sau một đêm thức trắng.
Còn đối với bác sĩ Dương Thúc Huy, lương y trưởng Nhà thương (bệnh viện) Côn Đảo trong câu chuyện với những người tù chính trị phục vụ tại Nhà thương thì Võ Thị Sáu là “một người anh hùng thật sự, một người anh hùng bằng xương bằng thịt. Cô ấy đã hát cho đến lúc chết”.
Ở Côn Đảo, mặc cho chúa đảo Jatty nhiều lần cho đập phá, ngôi mộ Võ Thị Sáu nằm ở trung tâm khu B nghĩa trang Hàng Dương vẫn luôn được phục dựng, có nhiều hoa và khói hương. Nhiều người dân Côn Đảo thờ phụng Võ Thị Sáu. Ngay cả vợ giám thị nhà tù Côn Đảo cũng lập bàn thờ Võ Thị Sáu.
Thời Mỹ - ngụy, mỗi đợt tố cộng, bọn cải huấn lại kích động đập phá mộ Võ Thị Sáu. Và mỗi lần như vậy, những tấm bia mộ mới lại mọc lên. Trong tâm tưởng của nhiều thế hệ tù nhân và người dân Côn Đảo, Võ Thị Sáu và cái chết của Chị đã trở thành huyền thoại.
Sự hy sinh cao đẹp của nữ chiến sĩ Công an xung phong Võ Thị Sáu đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng để lực lượng Công an và tuổi trẻ Bà Rịa-Vũng Tàu, lực lượng Công an nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam noi theo.
Ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 149/KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Vào năm 1982, Đảng bộ và nhân dân huyện Đất Đỏ đã xây dựng Công viên tượng đài anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại trung tâm Thị trấn Đất Đỏ, công trình được khởi công từ năm 1982 đến năm 1985 mới chính thức hoàn thành và bức tượng anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu làm bằng thạch cao. Đến năm 1986, Đảng bộ và nhân dân huyện Đất Đỏ mới dựng tượng bằng đồng do nhà điêu khắc Trần Thanh Thanh và các thợ đúc có tiếng của tình Bình Dương thực hiện, tượng cao 6m đặt trên bệ bê tông cao 2m và đặt tại trung tâm khu công viên.
Năm 2001-2003, Đảng bộ và nhân dân huyện Long Đất cho xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ngay sau tượng đài, nguồn vốn ngân sách huyện và Bộ Công an đóng góp 800 triệu, tổng diện tích xây dựng là 960 m2; Năm 2012, đã trùng tu và sửa chữa, trong đó xây mới bức phù điêu với tổng số vốn gần 450 triệu đồng. Năm 2018, đã trùng tu, sửa chữa, sơn mới công trình công viên tượng đài anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu, từ tháng 3 đến tháng 4/2000), Công an tỉnh chỉ đạo tổ chức xây dựng Tượng đài Anh hùng liệt sĩ CAND Võ Thị Sáu và bức phù điêu tại sân Nhà truyền thống Công an tỉnh (số 19 Thống nhất, Phường 1, Thành phố Vũng Tàu). Bức tượng anh hùng Võ Thị Sáu được đúc bằng chất liệu đồng, cao 1.6 m chưa kể chân đế, do Bộ Công an trao tặng. Bức phù điêu kể về quá trình hoạt động của Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu bằng chất liệu xi măng do họa sỹ Thịnh Duy thực hiện.
Năm 2014, sau khi chuyển Trụ sở Công an tỉnh về Thành phố Bà Rịa, Công an tỉnh tổ chức thỉnh Tượng và làm Lễ an vị Tượng Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu tại khuôn viên trụ sở Công an tỉnh hiện nay (số 15 Trường Chinh, Phước Trung, thành phố Bà Rịa) với chiều cao của tượng 1.6 m, chân đế cao 1.5 m được ốp đá. Hai bên được trồng 02 cây LêKima, loại cây được gắn liền với tên tuổi Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu (trong bài hát “Biết ơn Chị Võ Thị Sáu” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, sáng tác vào năm 1958).
Năm 2020, tổ chức xây mới bức phù điêu bằng xi măng, sơn màu đồng (dài 18.9m, cao 3.3m) kể về quá trình hoạt động của Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu, mặt sau của phù điêu là nội dung 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND với biểu tượng trống đồng và Công an hiệu cũng dòng chữ Công an nhân dân làm theo lời Bác bên cạnh là lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… Gương anh dũng của cháu Võ Thị Sáu luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập”.
Trân trọng và biết ơn công lao to lớn của Chị Sáu, chúng ta nguyện tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chị, cùng nhau ra sức xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, phồn vinh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
22:00 22/11/2024
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long kiểm tra công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
07:42 22/11/2024
Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân
20:23 19/11/2024
Công bố quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý
08:52 18/11/2024
Tài liệu hướng dẫn PCCC Pin Lithium - Ion sử dụng trên phương tiện giao thông và khuyến cáo biện pháp an toàn PCCC khu dân cư
18:00 17/11/2024
Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại huyện Côn Đảo